Theo đó, một lộ trình tăng trưởng kinh tế kết nối từ Buôn Ma Thuột về phía nam duyên hải Trung Bộ hứa hẹn sẽ thành hình, và mở ra cơ hội đô thị hóa mạnh mẽ cho thành phố này.
Trong hoạch định nghiên cứu này, Đắk Lắk sẽ có khoảng 84,8 km đường cao tốc. Đặc biệt, 48,5 km ở phân đoạn 3 tuyến cao tốc do tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư sẽ đi qua các huyện lỵ kinh tế chủ chốt của địa phương với điểm dừng ngay cửa ngõ Buôn Ma Thuột. Điều này cho phép thành phố cao nguyên có cơ hội rất lớn để hướng đến tầm vóc thủ phủ đầu tư kinh tế trong vùng và mở rộng diện tích đô thị hóa.
Một trục đường, nhiều khát vọng
Trong hơn 3 năm qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã tỏ rõ quyết tâm đầu tư, vận động phát triển kinh tế theo hướng hội nhập sâu sắc kinh tế toàn cầu từ cánh cửa giao thương, mở rộng ra toàn khu vực.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày về hướng tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia Những thế mạnh của địa phương gồm sản xuất hàng hóa đặc thù về nông sản, thổ sản có giá trị xuất khẩu cao; khai thác lâm sản dược liệu quý, gây dựng nền tảng cung ứng nguyên vật liệu dược phẩm bền vững; thu hút đầu tư du lịch và phát triển văn hóa đa dạng… thật sự chỉ có thể phát huy mạnh mẽ khi Đắk Lắk kiến tạo được vành đai giao thương tích cực, mạng lưới logistics kết nối rộng khắp và thông suốt.
Nhận rõ vấn đề này, tỉnh đã không ngừng tìm giải pháp phát triển hệ thống giao thông vành đai và tham gia hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối; đặt tiền đề cho một cuộc cách mạng đầu tư ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính, công nghệ thu hoạch chế biến phục vụ sản xuất, và công nghệ ứng dụng vận hành logistics hàng hóa.
Trong đó, nỗ lực của địa phương với các dự án đầu tư trục giao thông lớn, lan tỏa từ đầu mối Buôn Ma Thuột về phía nam qua Đắk Nông (đường Hồ Chí Minh); về phía đông qua Nha Trang, Phú Yên… mà điểm nhấn quan trọng là tuyến cao tốc Nha Trang Buôn Ma Thuột, đã được ấp ủ, xúc tiến. Cho đến nay, khi các tín hiệu lạc quan về các dự án trục giao thông này bắt đầu phát xuất, Đắk Lắk có thể biểu lộ đầy đủ hơn khát vọng phát triển của mình, một cách đa chiều và mở rộng. Điều này liên quan đến các dự án kêu gọi đầu tư mà Đắk Lắk đang đặt ra, gồm việc hình thành những đô thị kiểu mới kết hợp giữa kinh tế đầu tư với an định dân sinh; những dự án sản xuất tập trung về bảo quản, chế biến lâm sản, dược liệu, nông sản; và những dự án du lịch sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa trong dịch chuyển đầu tư kinh tế không khói.
Mô tả của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, cao tốc Nha Trang Buôn Ma Thuột với chiều dài 117 km, mặt cắt 24,75 m sẽ là tuyến đường hiệu quả trong vấn đề vận tải hàng hóa giá trị từ Tây Nguyên về biển Đông. Tuyến đường sẽ cơ bản giải phóng nhanh chóng lượng hàng hóa nông sản ở Tây Nguyên về các cảng xuất khẩu với giá thành hợp lý hơn, thực sự là cơ hội cho kinh tế Đắk Lắk đặt dấu thăng tăng trưởng vững mạnh. Thời gian đầu tư dự án đồ sộ này chỉ kéo dài trong mấy năm, dự kiến hoàn chỉnh mặt bằng và khởi công trong năm 2023, khai thác sử dụng từ năm 2026.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy và mở rộng diện tích đô thị hóa. (Trong ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H’leo). Ảnh: Hoàng Tuyết Cơ hội đô thị hóa cho Buôn Ma Thuột
Một vấn đề đặt ra với TP. Buôn Ma Thuột ngay khi dự án cao tốc Nha Trang Buôn Ma Thuột được đề cập chính là cơ hội đô thị hóa sẽ như thế nào? Các chuyên gia đều nhận định, tốc độ đô thị hóa của thành phố này sẽ có thể tăng vọt gấp 3 5 lần, nhất là khi các yêu cầu mạng lưới logistics bắc nam, đông tây cơ bản được giải quyết. Một lượng hàng hóa dồi dào cùng cơ hội tăng trưởng, thu hút đầu tư kinh tế nông sản công nghệ cao, công nghiệp hữu cơ… sẽ được định vị tại TP. Buôn Ma Thuột và các khu vực phụ cận. Kéo theo, thành phố sẽ hấp dẫn số nhân lực phục vụ kinh tế gia tăng, và nhu cầu nhà ở đô thị sẽ quá tải. Diện tích đất ở đô thị tại Buôn Ma Thuột, nhất là các vị trí cửa ngõ, vành đai sẽ buộc phải gia tăng, đòi hỏi địa phương cần có những bài toán quy hoạch và tổ chức không gian đô thị hiệu quả hơn.
Trong sách lược phát triển của mình, TP. Buôn Ma Thuột dĩ nhiên đã đặt ra vấn đề này, nhất là khi nêu mục tiêu phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030. Địa phương đã có những hoạch định cần kíp để quy hoạch công khai các khu vực đô thị hóa mới, những vị trí then chốt đầu tư đô thị kết hợp giữa an sinh và sản xuất, giữa giao thông thuận lợi và kết nối quản lý dân cư… Các điểm nhấn vành đai phía tây, đô thị hóa khu vực phía bắc cửa ngõ TP. Buôn Ma Thuột… đang được địa phương tổ chức khẩn trương và có tốc độ tăng tiến đô thị ổn định. Dự báo trong 2 5 năm tới, các vị trí đô thị hóa mới của TP. Buôn Ma Thuột sẽ định hình rõ ràng, với các quần thể khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại, linh hoạt, vừa phát huy các lợi thế du lịch sinh thái, văn hóa vừa gắn kết kinh tế dân sinh, hợp tác hàng hóa…
Chỉ rất ngắn trong một vài năm đến, một tuyến trục cao tốc mở ra, và cơ hội đô thị hóa trỗi dậy ở ngay Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk – trung tâm vùng Tây Nguyên.
Nguyên Đức